Làm thế nào để “vực dậy” ngành Đúc Việt Nam? Với xu thế dịch chuyển các ngành công nghiệp nặng nhọc sang châu Á, liệu ngành đúc nắm bắt cơ hội? Đó là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại Hội nghị Đúc châu Á lần thứ 13 được tổ chức mới đây.  

Hội nghị Đúc châu Á lần thứ 13

Nhiều lợi thế phát triển ngành đúc

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao vai trò của ngành Đúc Việt Nam nói chung và ngành đúc thế giới nói riêng trong ngành cơ khí chế tạo. Việt Nam đang tiến dần đến mục tiêu công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, chính vì thế, ngành cơ khí chế tạo rất cần được quan tâm, chú trọng. Muốn có nền công nghiệp phát triển, cần đẩy mạnh ngành đúc, vì đây là khâu trung gian kết nối giữa ngành luyện kim và ngành cơ khí chế tạo, từ đó hình thành các sản phẩm công nghiệp cung cấp cho xã hội.

Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc- luyện kim Việt Nam- cho biết, ngành đúc có thể chiếm 40- 70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Ngành Đúc Việt Nam được đặt nền móng từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp gang thép, trong thời kỳ đổi mới, ngành Đúc Việt Nam đạt được những kết quả nhất định về số lượng và chất lượng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng- Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Đại học Bách khoa Hà Nội)- cho rằng, thế giới đang ở trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Ngành đúc cũng như các ngành khác đều phải tự khẳng định mình trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường. Thực tế, châu Á là khu vực có nhiều lợi thế để phát triển ngành đúc, do xu hướng dịch chuyển các ngành sản xuất nặng nhọc sang các nước đang phát triển và có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Chính vì vậy, đối với các nước phát triển sau, trong đó có Việt Nam, cần coi đây như một cơ hội và tích cực đổi mới công nghệ, làm động lực thu hút đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) của các tập đoàn xuyên quốc gia. Trung Quốc là một ví dụ khi dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, với sản lượng đạt 44 triệu tấn năm 2013.

Tiến tới làm chủ công nghệ

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng đánh giá thêm, ngành Đúc Việt Nam đang trong tình trạng trình độ thấp cả về sản lượng và chất lượng. Sản lượng đúc dự kiến đến năm 2020 mới đạt 2 triệu tấn/năm, khả năng cạnh tranh mới chỉ diễn ra ở thị trường trong nước.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Thái (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, đây là thời cơ để Việt Nam vươn lên trở thành nước cung cấp sản phẩm đúc cho khu vực Đông Nam Á. Chúng ta có nguồn nguyên vật liệu phong phú, nhân lực dồi dào và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành đúc.

Tuy nhiên, “để ngành đúc có thể phát triển, rất cần có sự đầu tư bài bản, xây dựng hệ thống các doanh nghiệp đúc tập trung, hoặc khu vực rộng theo hướng chuyên môn hóa cao về sản phẩm. Đồng thời, xây dựng các doanh nghiệp nhỏ làm vệ tinh nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, tập trung đầu tư thiết bị cho ngành một cách đồng bộ”- ông Thái nhấn mạnh thêm.

Hiện ngành đúc nói riêng và ngành Cơ khí Việt Nam nói chung vẫn chỉ dừng lại ở gia công là chính, chưa làm chủ được công nghệ do chưa có đội ngũ thiết kế. Chính vì vậy, cần xây dựng được đội ngũ cơ khí có khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị và dây chuyền đúc.

Thời gian tới, khi nhà nước quyết tâm thực hiện các chương trình cơ khí trọng điểm, sẽ có nhiều dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt, ngành đúc sẽ có nhiều cơ hội tiếp thu các công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng chi tiết đúc.

ĐỐI TÁC