-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Ngành Đúc - luyện kim Việt Nam 'tụt hậu' về kỹ thuật, công nghệ
Đăng bởi Công ty TNHH Thắng Lợi vào lúc 07/01/2016
Trong số khoảng 500 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ở lĩnh vực đúc - luyện kim thì chỉ có khoảng gần 200 DN có đủ năng lực để đáp ứng với yêu cầu của sản xuất nước ngoài... Điều này cho thấy, ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta còn yếu và cần nhiều chính sách hỗ trợ để đứng vững.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế chuyên ngành Đúc luyện kim do Viện khoa học kỹ thuật vật liệu và Công ty Carbon tổ chức hôm nay, ngày 7/10.
Chỉ có gần 40% DN đáp ứng yêu cầu
Theo các chuyên giá đánh giá, ngành Đúc- luyện kim của Việt Nam đang trong tình trạng tụt hậu cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn qui mô sản suất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện các DN trong ngành chủ yếu chỉ đầu tư sản xuất để cung ứng cho nhu cầu thị trường nhỏ lẻ là chủ yếu. Điều này khiến cho ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển, khiến cho Việt Nam phải đối mặt với tình trạng nhập siêu ngày một gia tăng.
Ngành đúc luyện kim vẫn ở trình độ lạc hậu so với khu vực Ảnh:TL |
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Đúc - luyện kim Việt Nam cho hay, trong số khoảng 500 DN đang hoạt động ở lĩnh vực đúc - luyện kim thì chỉ có khoảng gần 200 DN có đủ năng lực để đáp ứng với yêu cầu của sản xuất nước ngoài.
"Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chỉ chú trọng vào việc nhập khẩu thiết bị, động cơ và linh kiện để lắp ráp các cấu kiện, máy móc, ô tô và xe máy…Và điều đó làm nhập siêu tăng, là rào cản đối với mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước ta", ông Cường nhấn mạnh.
Đánh giá về những hạn chế và thách thức của ngành Đúc - luyện kim Việt Nam, ông Lưu Trung Mạnh, Giám đốc điều hành Carbon cho biết, với thực trạng lạc hậu như vậy thì trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, ngành đúc luyện kim nói riêng và ngành công nghiệp phụ trợ nói chung đang đứng trước không ít cơ hội để phát triển nhưng phần thách thức vẫn nhiều hơn.
Chính sách vẫn chưa "chạm" tới DN
Tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù từ nhiều năm qua, nước ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như ngành Đúc - luyện kim, song trên thực tế, các chính sách vẫn chưa "chạm" đến DN.
"Có nhiều chỉ tiêu của công nghiệp hỗ trợ đã không đạt mục tiêu đề ra, đơn cử như ngành công nghiệp ô tô, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ nội địa hóa phải đạt 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%. Tương tự ngành cơ khí đến 2020, tỷ lệ nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản...", ông Cường cho biết.
Chính vì vậy, để phát triển ngành Đúc - luyện kim, Việt Nam cần đưa ra một chiến lược tổng thể dài hạn và bền vững. "Chúng ta nên chú trọng đến những lĩnh vực Việt Nam còn “dư địa” để phát triển", ông Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Mạnh, Chính phủ và các bộ ngành nên có cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích thu hút đầu tư, ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa về vốn, mặt bằng, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao..., để hỗ trợ ngành Đúc - luyện kim phát triển./.
Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/