Sản phẩm công nghiệp đúc: Nhu cầu lớn

Đăng bởi Công ty TNHH Thắng Lợi vào lúc 16/10/2015

     Hiện nhu cầu thị trường cho sản phẩm ngành công nghiệp đúc là rất lớn. Tuy nhiên, để mở rộng các thị trường này, sản phẩm ngành đúc phải tăng chất lượng, DN phải tăng năng lực. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho biết, để đến năm 2015 sản phẩm đúc có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khu vực, ngay bây giờ cần phải tiến hành giải quyết dần những hạn chế của ngành.

     Từ nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngành công nghiệp, lĩnh vực công nghệ đúc Việt Nam thời gian qua đã đạt được các bước phát triển rất khả quan. Sản phẩm đúc đã xuất khẩu được sang các nước Đông Nam Á và một số quôc gia khác. Sản phẩm đa phần xuất khẩu theo hai dạng là các sản phẩm đúc đơn lẻ (đạt 1,424 triệu USD năm 2010); sản phẩm trong các thiết bị, máy móc xuất khẩu như trong động cơ diezel (đạt 35-40 triệu USD năm 2010), trong nhiều loại công cụ khác như máy bơm các loại, máy gặt đập... Chúng ta còn có thể xuất khẩu các chi tiết bằng gang, thép chịu mài mòn, chịu nhiệt cho ngành công nghiệp xi măng, các băng xích cho ngành công nghiệp luyện kim…

     Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sản phẩm đúc sản xuất trong nước chỉ mới thỏa mãn được một phần nhu cầu thiết yếu thị trường nội địa, chủ yếu là gang xám, thép đúc cho ngành chế tạo cơ khí, các loại gang, thép hợp kim chịu ăn mòn, mài mòn cho các ngành khai thác, xây dựng, còn đa số phải nhập ngoại dưới dạng phụ tùng lắp ráp đồng bộ. Vì thế thời gian qua, Việt Nam nhập siêu rất nhiều các sản phẩm cơ khí và thị trường sản phẩm đúc trong nước bị nước ngoài thao túng, thị phần của DN trong nước dần nhỏ lại.

     Theo ông Phạm Anh Tuấn, khâu tạo phôi, một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỷ lệ phế phẩm cao (có nơi đến 30%), lượng dư gia công nhiều. Trong nước chưa có kinh nghiệm đúc sản phẩm chính xác cao, chưa đúc được những mác thép chất lượng và độ bền cao. Công nghệ tạo phôi bằng phương pháp biến dạng dẻo kim loại ở trạng thái nóng (cán, rèn, dập) còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường. Khâu nhiệt luyện, xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm. Khâu gia công kim loại bằng cắt gọt vẫn sử dụng các loại máy công cụ lạc hậu, thiếu chính xác, phương pháp công nghệ cổ điển, trình độ tự động hóa thấp.

     Cũng theo ông Tuấn, toàn ngành còn thiếu các nhà máy có trình độ công nghệ hiện đại, chủ lực, làm trung tâm cho việc chuyên môn hóa, hợp tác hóa, một yêu cầu quan trọng của sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.

     Trong khi đó, theo các chuyên gia, thị trường tiêu thụ của sản phẩm đúc là rất lớn. Nhu cầu sản phẩm đúc cho các ngành công nghiệp trong nước từ năm 2010-2020 tập trung vào ngành cơ khí chế tạo với nhu cầu vật đúc khoảng 689 ngàn tấn vào năm 2020 phục vụ cho cơ khí nông lâm ngư nghiệp, chế biến thực phẩm, máy công cụ, các loại máy xây dựng… Ngành giao thông vận tải với nhu cầu 817 ngàn tấn vật đúc vào năm 2020 cho sản xuất - lắp ráp ôtô, xe máy, xe lửa… Các ngành công nghiệp khác như điện, luyện kim, khai thác mỏ, xi măng, tàu biển, cấp nước… cũng cần rất nhiều sản phẩm chi tiết đúc. Dự đoán, nhu cầu các sản phẩm đúc trong nước sẽ khoảng 1.927.000 tấn năm 2020 và 2.500.000 tấn năm 2025. Trước mắt, trong 5-10 năm tới, các chi tiết bằng gang, chi tiết đúc chính xác bằng hợp kim nhôm có độ phức tạp cao, có tính năng đặc biệt phục vụ ngành giao thông vận tải, ngành cơ khí rất có triển vọng.

     Sản phẩm ngành đúc cũng có thị trường xuất khẩu không nhỏ. Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, chỉ tính riêng thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, hàng năm có thể nhập hàng trăm ngàn tấn sản phẩm đúc nếu đạt chất lượng. Thị trường Bắc Mỹ và Mỹ cũng đang là một trong những thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm kim loại đúc. Dù là nước sản xuất mặt hàng kim loại đúc lớn nhất thế giới, ngành này của Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu, mỗi năm Mỹ nhập khoảng 20% nhu cầu gang đúc. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đòi hỏi cao về yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm đúc, các phôi cho ngành cơ khí chế tạo có yêu cầu cao về chất lượng, bề mặt đẹp, độ chính xác cao về kích thước hình học, không khuyết tật, đảm bảo nhiều thành phần hóa học, cơ lý tính…

     Để phát triển ngành công nghiệp đúc, ông Phạm Bá Kiêm, Viện KH-CN mỏ - luyện kim cho rằng, việc quan trọng cần thực hiện là phải xây dựng hệ thống các DN đúc phục vụ cho cả ngành công nghiệp, hoặc cho một khu vực rộng, theo hướng chuyên môn hóa cao để tập trung thiết bị, công nghệ, nhân lực, tài lực; đồng thời xây dựng các DN nhỏ làm vệ tinh hỗ trợ cho các DN lớn. Trong đó, tập trung đầu tư một cách đồng bộ các thiết bị, công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm, có giá thành rẻ, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó cũng nên xây dựng hệ thống viện nghiên cứu để nắm bắt các thông tin kinh tế, kỹ thuật, nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm chế tạo ra các sản phẩm đúc chất lượng cao và hiệu quả kinh tế lớn. Có như thế đến năm 2015 sản phẩm đúc Việt Nam mới có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong khu vực.

     Theo thống kê, năm 2010 cả nước có khoảng 390 DN, cơ sở đúc và có sản phẩm liên quan đến ngành đúc ở 43 tỉnh thành với sản lượng hơn 92 ngàn tấn gang đúc, gần 6 ngàn tấn đồng, hơn 1,2 triệu tấn thép đúc… Các DN, cơ sở ngành đúc tập trung nhiều ở Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương.

     Mới đây, tại TP.HCM, một dự án đầu tư Nhà máy chế tạo các sản phẩm cơ khí trọng điểm phía Nam của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn vừa được TP.HCM chấp thuận cho xây dựng trên diện tich 30ha tại huyện Bình Chánh với vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Nhà máy sẽ sản xuất tạo phôi kim loại bằng phương pháp đúc, rèn, dập chất lượng cao, tương đương các nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan…, cung cấp cho các đơn vị gia công cơ khí trong nước và xuất khẩu, góp phần giảm nhập phôi kim loại từ nước ngoài, đảm bảo sự tự chủ trong sản xuất - kinh doanh cho các DN cơ khí trong nước. Nhà máy đang hoàn tất thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho sản phẩm cơ khí trọng điểm và dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm từ Nhà nước.

Theo VEN

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

ĐỐI TÁC